Thủ tục xin giấy phép sản xuất kinh doanh rượu

Rượu là loại hàng hóa phổ biến và được tiêu thụ lớn trên toàn thế giới. Việt Nam là một trong những nước tiêu thụ rượu với số lượng lớn. Tuy nhiên, để hạn chế mức độ nguy hiểm của loại sản phẩm này, cũng như để Nhà nước quản lý được tốt nhất các cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh rượu trên thị trường thì các cá nhân, doanh nghiệp muốn thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh rượu phải xin giấy phép tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Luật Nam Bình Dương cung cấp thông tin tư vấn qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý, thành phần, số lượng hồ sơ:

– Luật Thương mại 2005.
– Nghị định số 40/2008/NĐ-CP ngày 7/4/2008 của Chính Phủ về sản xuất, kinh doanh rượu.
– Thông tư 10/2008/TT-BCT ngày 25/7/2008 của Bộ Công thương hướng dẫn thực hiện theo Nghị định số 40/2008/NĐ-CP ngày 7/4/2008 của Chính Phủ về sản xuất, kinh doanh rượu.

Thành phần, số lượng hồ sơ:

a) Thành phần hồ sơ:

1) Đơn đề nghị cấp Giấy phép sản xuất rượu theo Phụ lục 1 Thông tư 10/2008/TT-BCT ngày 25/7/2008 của Bộ Công Thương

2) Bản sao hợp lệ Giấy phép đầu tư hoặc chứng nhận đăng ký kinh doanh; bản sao hợp lệ giấy chứng nhận mã số thuế

3) Tài liệu liên quan đến cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và con người:
– Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong 05 năm gần nhất, trong đó cần nêu rõ chỉ tiêu sản lượng sản xuất đối với từng nhóm sản phẩm rượu, các khoản thuế đã nộp, lợi nhuận (đối với các cơ sở sản xuất rượu đang hoạt động)
– Dự kiến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh (sản lượng từng nhóm sản phẩm, nộp thuế, lợi nhuận) cho 05 năm tiếp theo kể từ năm xin cấp Giấy phép
– Bảng kê danh mục máy móc, thiết bị chuyên ngành các công đoạn chính như nấu, lên men, chưng cất, chiết rót…
– Bảng kê danh mục thiết bị chuyên ngành đo lường, kiểm tra chất lượng men rượu, hàm lượng đường, nồng độ cồn
– Bảng kê danh mục các máy móc, thiết bị để kiểm tra nhiệt độ, độ ẩm; bản thiết kế hệ thống điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm
– Bảng kê diện tích, sơ đồ thiết kế nhà xưởng, kho tàng, văn phòng làm việc và các khu phụ trợ khác. Hồ sơ chứng minh quyền sở hữu nhà xưởng, công trình và quyền sử dụng đất (hợp đồng thuê, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…)
– Bản sao hợp lệ bằng cấp, giấy chứng nhận chuyên môn, giấy chứng nhận sức khỏe và Hợp đồng lao động với người lao động kỹ thuật, người trực tiếp sản xuất.

4) Tài liệu liên quan đến chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm:

– Bản sao hợp lệ hồ sơ đăng ký chất lượng, bản công bố tiêu chuẩn chất lượng
– Bản sao hợp lệ của giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

5) Bản sao hợp lệ các giấy tờ xác nhận quyền sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp nhãn hiệu hàng hoá cho các sản phẩm rượu

6) Tài liệu liên quan đến bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ:

– Bản sao hợp lệ Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc giấy xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường do cơ quan có thẩm quyền cấp
– Bản sao hợp lệ văn bản thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy hoặc biên bản kiểm tra đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy do cơ quan cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có thẩm quyền cấp
– Hồ sơ thiết kế và danh mục phương tiện, thiết bị hệ thống phòng cháy, chữa cháy.

b) Số lượng hồ sơ: 01 bộ

Yêu cầu hoặc điều kiện để thực hiện:

a) Điều kiện về chủ thể

Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật có đăng ký kinh doanh sản xuất rượu.

b) Điều kiện về đầu tư

Quy mô, địa điểm đầu tư cơ sở sản xuất phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Bia – Rượu – Nước giải khát.

c) Điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, con người
– Có dây chuyền máy móc thiết bị chuyên ngành để thực hiện các công đoạn chính như nấu, lên men, chưng cất, chiết rót… phù hợp với các công đoạn và quy mô sản xuất
– Có quy trình công nghệ sản xuất sản phẩm rượu đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm
– Có các thiết bị để đo lường, kiểm tra chất lượng men rượu, hàm lượng đường, nồng độ cồn trong quá trình sản xuất
– Diện tích cơ sở sản xuất bao gồm khu chế biến và khu bảo quản có tổng diện tích không dưới 500m2, trong đó phải bố trí kho riêng cho bảo quản sản phẩm
– Có các thiết bị để kiểm tra nhiệt độ, độ ẩm và điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm của khu chế biến và khu bảo quản phù hợp quy mô sản xuất
– Phải có hợp đồng lao động với người có đủ trình độ kỹ thuật, chuyên môn (có bằng trung cấp trở lên) hoặc có kinh nghiệm lâu năm (nghệ nhân có giấy chứng nhận) phù hợp với ngành nghề sản xuất rượu
– Người lao động tham gia trực tiếp sản xuất phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện sức khỏe, không mắc bệnh truyền nhiễm do cơ quan y tế cấp.

d) Điều kiện về chất lượng và vệ sinh an toàn sản phẩm rượu

Phải đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, vệ sinh theo quy chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn cơ sở và quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của Bộ Y tế

đ) Điều kiện về sở hữu nhãn hiệu hàng hóa

Phải có quyền sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp nhãn hiệu hàng hóa đã được đăng ký và được bảo hộ tại Việt Nam.

e) Điều kiện về bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ

– Dây chuyền máy móc thiết bị phải được bố trí trong không gian đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh công nghiệp, vệ sinh môi trường, an toàn lao động và phòng chống cháy nổ; – Phải có đầy đủ các phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy bảo đảm phòng chống cháy nổ theo quy định